Trong hai ngày 25 và 26 tháng 4 năm 2014, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Chương trình Tây Nguyên 3 tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên: những vấn đề cốt yếu và giải pháp". Đây là hội thảo đầu tiên của Chương trình Tây Nguyên 3 quy tụ toàn bộ 20 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Chương trình.
Tham gia hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện HLKHXVN, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, hai Phó Chủ tích Viện HLKHXVN: GS.TS.Võ Khánh Vinh và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện ban lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên, và nhiều nhà quản lý, khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, Viện HLKHCNVN, Viện HLKHXHVN, Đại học Tây Nguyên, các sở, ngành 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài và đại diện của 20 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên 3...
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày 14 tham luận thể hiện những kết quả nghiên cứu cơ bản của các đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Chương trình, với các tiêu đề:
- Cơ cấu kinh tế Tây Nguyên và một số vấn đề đặt ra;
- Đánh giá bước đầu về thực trạng doanh nghiệp ở Tây Nguyên;
- Một số vấn đề về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại vùng tây Nguyên;
- Mấy vấn đề về đổi mới quản lý nhà nước đối với đất đai ở Tây Nguyên;
- Các mối quan hệ tộc người cơ bản ở Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay;
- Những vấn đề lý luận, thực tiễn của tôn giáo ở Tây Nguyên hiện nay và một số giải pháp, kiến nghị;
- Văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay;
- Chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực Tây Nguyên: thực trạng và những vấn đề đặt ra;
- Thực trạng và giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đặc thù vùng Tây Nguyên;
- Một số vấn đề cơ bản về quốc phòng và an ninh trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên;
- Phát triển hệ thống đô thị vùng Tây Nguyên và thách thức;
- Mấy vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên;
- Hợp tác kinh tế xuyên biên giới khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Camphuchia và vai trò của Tây Nguyên;
- Liên kết kinh tế nội vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên: thực trạng và giải pháp.
Hai đề tài nhánh do cán bộ Viện Xã hội học làm chủ nhiệm đều có bài tham luận đưa vào kỷ yếu hội thảo. Cùng với bài “Mấy vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên” do PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, chủ nhiệm đề tài nhánh TN3/X10, trình bày, PGS.TS.Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, chủ nhiệm đề tài nhánh TN3/X14, cũng gửi đến hội thảo bài tham luận “Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên”.
Từ hướng tiếp cận tổng thể, liên ngành, các tham luận đã phân tích các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, dân số, tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh của Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu của các đề tài nhánh, cùng với những ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi của các đại biểu, đã đề cập nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên, chỉ ra những thành công cũng như hạn chế của chính sách phát triển Tây Nguyên cho đến nay, từ đó đưa ra những luận điểm và giải pháp cho sự phát triển bền vững cả về kinh tế, văn hóa và xã hội, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Theo GS.TS.Nguyễn Xuân Thắng, hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chia sẻ và phản biện kết quả nghiên cứu, giúp các đề tài nhánh, cũng như Chương trình Tây Nguyên 3 nói chung, hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
ios.org.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Phân nhóm
- Hội nghị (1)
- Hội thảo (1)
- Hội thảo Khoa học (3)
Chuyên mục
- Công tác Dân tộc (2)
- Giáo dục - Đào tạo (1)
- Khoa học - Công nghệ (1)
- Nhà nước - Pháp luật (1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét